lập trình viên kiếm tiền như thế nào

Học lỏm ngay 10 cách kiếm tiền của lập trình viên không phải ai cũng biết

Mục lục

Nghề lập trình viên từ lâu đã rất hot. Một trong những lí do chính khiến nó trở nên hot đó chính là mức thu nhập cao ngất ngưỡng mà nó mang lại. Vậy lập trình viên kiếm tiền như thế nào để có được mức thu nhập đó.

Những chia sẻ dưới đây của bài viết sẽ gợi ý cho bạn 10 cách kiếm tiền của lập trình viên. Trong đó mình cũng sẽ chia sẻ những ưu, nhược điểm của mỗi cách để bạn có cái nhìn tổng quan và khách quan hơn.

Lập trình viên kiếm tiền như thế nào

Có một công việc ổn định tại một công ty lập trình

Đây là một trong những cách kiếm tiền phổ biến của hầu hết các lập trình viên khi mới ra trường. Khi mới ra trường hầu hết các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy khi đi làm tại các công ty là cơ hội để được rèn luyện và học hỏi thêm. Đây là môi trường mà bạn có thể vừa làm – vừa học. 

Ưu điểm

  • Có thu nhập ổn định hàng tháng. Các công ty thường sẽ trả lương cố định. Một số công ty có chính sách thưởng thêm hàng tháng, hay các ngày lễ nào đó. Nhìn chung cuối cùng, thu nhập chính sẽ vẫn là khoản lương cố định.
  • Được hưởng thêm các chính sách cơ bản khác. Ví dụ như nghỉ phép (thường là 12 ngày mỗi năm), thưởng tết (thường là 1 tháng lương), đóng bảo hiểm, review lương định kỳ (thường là 6 tháng một lần), du lịch hàng năm. Một số công ty còn có các chính sách đặc biệt hơn như thưởng tết 2 – 4 tháng lương. Bên cạnh đó cũng sẽ thưởng tất cả các ngày lễ trong năm, phụ cấp ăn trưa, phụ cấp đi lại,…
  • Không cần phải quá lo lắng về tình hình thị trường, tình hình đối thủ, lo không có việc,…Bạn chỉ cần tập trung cho công việc của mình 8h mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. Đến công ty làm việc, hết giờ thì đi về, cuối tuần thì làm việc mình thích. Đôi khi cũng phải làm thêm giờ để chạy kịp tiến độ. Nhưng suy cho cùng vẫn dễ chịu chán phải không nào.
  • Học được nhiều điều từ sếp, từ đồng nghiệp xung quanh. Đương nhiên, vẫn có trường hợp là bạn gặp phải sếp dỏm, đồng nghiệp dỏm, nhưng ít thôi, và số bạn chắc không đen đến vậy.
  • Có cơ hội thăng tiến, được bổ nhiệm các vị trí cao hơn với mức lương cũng được nâng cao nếu bạn có năng lực và biết phấn đấu

Nhược điểm

  • Đây là cách kiếm tiền an toàn, phổ biến. Vì vậy sẽ gia tăng mức độ cạnh tranh. Bên cạnh đó với những người mới ra trường hay còn ít kinh nghiệm thì mức lương thường sẽ không cao.
  • Phụ thuộc mỗi công ty mà có mức lương và chế độ đãi ngộ “béo bở” hay “nghèo nàn”.
  • Chịu sự ràng buộc với các điều khoản trong hợp đồng lao động từ phía công ty nơi bạn làm việc.

Làm freelancer ngoài thời gian ở công ty

Freelancer là thuật ngữ dùng để chỉ những người làm tự do. Họ không làm cố định cho bất kỳ một công ty nào cả. Freelancer có thể là sinh viên hoặc là người đã đi làm có công việc chính cố định muốn kiếm việc làm thêm ngoài giờ. Hay thậm chí có người xem freelancer như công việc “kiếm cơm chính” mà không phải làm công việc tại các công ty nhất định nào đó.

Khác với người làm cố định cho công ty chỉ làm các công việc, dự án thuộc công ty đó. Freelancer thường làm đa dạng các công việc từ nhiều khách hàng khác nhau. Từ xây dựng web hay fixbug nào đó,…Tuỳ năng lực của mỗi người mà sẽ nhận những loại công việc phù hợp khác nhau. 

Hiện nay trên thị trường, nhiều khách hàng thích làm việc với freelancer hơn là với các công ty chuyên nghiệp. Vì giá làm freelancer sẽ thường thấp hơn. Đồng thời làm ở công ty thường có quá nhiều thủ tục rờm rà. Vì vậy họ chọn freelancer để nhanh, gọn, lẹ hơn.

Bạn có thể tìm thấy các công việc freelance tại các trang web chuyên về việc freelance như: 

Đây là các trang khá nổi tiếng mà mình có thể xây dựng profile của mình trên đó và kiếm các dự án để làm.

Ưu điểm:

  • Thời gian linh hoạt, tự do và thoải mái, chủ động hơn, thích thì làm, không thích thì thôi miễn đảm bảo hoàn thành và đạt được kết quả là được.
  • Nếu bạn có năng lực tốt, làm nhiều và thương lượng giá “ngon” với khách hàng thì mức thu nhập của bạn có thể sẽ cao hơn nhiều so với việc làm “công ăn lương” đấy.

Nhược điểm:

  • Vì làm tự do nên đôi khi lúc có việc lúc không nên nguồn thu nhập sẽ không ổn định. Có thể có tháng bạn “giàu như đại gia” nhưng có thể có tháng “nghèo như ăn mày” 
  • Không có các chính sách tốt như ở các công ty như tiền thưởng, đi du lịch
  • Nếu bạn freelancer một mình thì sẽ hạn chế cơ hội gặp gỡ với mọi người

Xây dựng ứng dụng và đặt quảng cáo

Ngày nay quảng cáo xuất hiện ở mọi nơi. Vậy lập trình viên có thể tận dụng điều này như thế nào để kiếm tiền được? Các lập trình viên có thể xây dựng các ứng dụng (app) trên các hệ điều hành phổ biến như android, ios, hay cả nền tảng web. Để thu hút nhiều người thì thường sẽ chọn làm app liên quan về các chủ đề phổ biến được nhiều người quan tâm như ca nhạc, tin tức, phim, giải trí,…

Sau đó đăng ký quảng cáo với google lúc đó google sẽ cấp phát một đoạn code và mình nhúng đoạn code đó vào sản phẩm của mình. Dựa vào tần suất số lượng quảng cáo đó được click hoặc hiển thị thì google sẽ trả cho mình một số tiền nhất định hàng tháng. 

Xây dựng blog và đặt quảng cáo, làm Affiliate

Đây là một trong những nguồn thu nhập phụ cho lập trình viên được khá nhiều lập trình viên áp dụng hiện nay.Tương tự như cách đặt quảng cáo ở trên. Tuy nhiên ở đây thay vì đặt quảng cáo trên ứng dụng. Bạn sẽ nhận đặt quảng cáo trên blog của bạn. Trước khi nhận được đặt quảng cáo thì bạn nên xây dựng trang blog của riêng bạn. Nếu blog của bạn có càng nhiều người truy cập thì mức chi phí để đặt quảng cáo cũng sẽ cao hơn. 

Tạo kênh youtube channel và đặt quảng cáo

Ngoài cách đặt quảng cáo trên ứng dụng và blog. Bạn cũng có thể xây dựng kênh youtube. Khi bạn tạo ra được một lượng surscriber” và viewer đủ lớn bạn sẽ mở được tính năng kiếm tiền.

Các lập trình viên có thể tạo kênh youtube về các chủ đề như tutorial về công nghệ nào đó mà mình có kiến thức chuyên sâu về nó. Hay những mẹo trong học lập trình. Thậm chí có thể mở rộng chia sẻ về cuộc sống của một lập trình viên. 

Có lẽ thời gian đầu xây dựng và phát triển một ứng dụng, blog hay kênh youtube sẽ mất thời gian và công sức. Tuy nhiên sau đó khi đặt quảng cáo được trên đó để kiếm tiền thì đây chính nguồn thu nhập thụ động dễ dàng cho lập trình viên.

Tạo các khóa học online

Khi đã có kinh nghiệm, các lập trình viên có thể xây dựng một khóa học và bán nó trên mạng. Trên thế giới thì có Udemy, Coursera là hai trang chuyên cung cấp các khoá học online cho người học. Ở Việt Nam thì có Unica, Edumall. 

Để có thể bán được khoá học. Trước hết bạn cần đầu tư xây dựng cho khóa học. Nội dung càng hay, thú vị cùng với một chút truyền thông và danh tiếng, độ uy tín của bạn sẽ thu hút thêm nhiều người học. Thường các khóa học Udemy hoặc Coursera có giá từ $10 trở lên tuỳ theo người dạy có nổi tiếng hay không. Các khoá học mà được dạy bởi người giỏi có khi tới 100 USD. Còn ở Việt Nam mình có thể bán tầm 300.000 đến 500.000 một khóa học online.

Code cho những dự án opensource

Hiện nay có khá nhiều dự án opensource. Chúng ta có thể tham gia code cùng các bạn lập trình ở các quốc gia khác nhau. Các lập trình viên khác nếu sử dụng opensource của chúng ta họ có thể donate (quyên góp tiền cho dự án) hoặc sponsor cho dự án của mình. 

Ngoài ra với các dự án opensource bạn cũng có thể kiếm tiền bằng một số cách khác như:

– Đối với ngôn ngữ, framework thì có thể kiếm tiền bằng nguồn thu từ việc training, đào tạo những ai học ngôn ngữ hoặc framework đó.

– Đối với các phần mềm miễn phí thì thu lợi nhuận từ quảng cáo hoặc lợi nhuận từ việc bán version premium với nhiều chức năng hơn. Hoặc cũng có thể là bán hỗ trợ kỹ thuật nếu một user nào muốn bổ sung thêm chức năng vào phần mềm.

Giảng dạy

Như mình chia sẻ lúc đầu, nghề lập trình viên đang là nghề hot hiện nay. Thu hút rất nhiều người theo học. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu người đào tạo cũng tăng cao không kém. 

Sau một thời gian làm việc. Khi bạn có đủ kinh nghiệm và tự tin về khả năng truyền đạt của bản thân. Bạn có thể đi giảng dạy tại các trung tâm hoặc có thể nhận dạy kèm, tự mở lớp riêng với hình thức online hoặc offline.

Nếu bạn giảng dạy tại trung tâm thì khoảng 100k – 300k mỗi giờ. Nếu bạn tự mở lớp, thì có thể thu của học viên từ 2 – 3 triệu/ khoá, học từ 20 – 30 buổi, 2 – 3 tiếng/ buổi. Như vậy nếu đi dạy thêm 2 – 3 buổi/tuần cũng giúp bạn trả đủ tiền nhà trọ.

Nếu bạn có một khóa học trên các chợ khóa học online, thì khi học viên mua khóa học, bạn sẽ nhận được % hoa hồng, từ 15 – 75 %, tùy chợ và tùy hình thức học viên mua (mua trực tiếp hay mua qua link giới thiệu). 

Viết sách

Sau khi đi làm có nhiều kinh nghiệm. Thường thì khoảng 10 năm làm trong ngành khi mà đã cứng cáp về kỹ thuật thì mình có thể hoàn toàn viết sách dạy học lập trình. Sau đó đăng bán trên mạng. Hoặc liên hệ với một nhà xuất bản nào đó để xuất bản cuốn sách của mình.

Riêng việc này không phải bất cứ ai cũng có thể áp dụng được. Nó còn tuỳ thuộc vào khả năng viết lách cũng như nhiều kỹ năng khác nữa thì mới có thể thu lại được lợi nhuận. Tuy nhiên cũng hẳn là không có ai làm. Nếu bạn thấy bản thân có khả năng thì có thể thử nhé.

Xây dựng đội nhóm để khởi nghiệp

Cách kiếm này thì có lẽ khá lâu. Vì không phải ngày một ngày hai là có thu nhập được liền. Nhưng nó cũng là một kế hoạch tiềm năng cho tương lai. Mình lập một nhóm, cho ra một ý tưởng có thể giúp ích được cuộc sống. Từ ý tưởng đó mình sẽ xây dựng thành sản phẩm và kiếm tiền trên sản phẩm đó. Mặc dù nói rất đơn giản như vậy nhưng khi thực hiện rất chông gai. Không phải dễ để làm một startup thành công vì nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố về con người, tài chính, kỹ thuật của cả đội nhóm.

Kết luận

Ứng dụng của lập trình vô cùng rộng lớn. Vì vậy cơ hội từ nghề lập trình viên là không thiếu, không nói là nó quá “màu mỡ”. Vì vậy nó mở ra đa dạng cách kiếm tiền cho lập trình viên. Trên đây chỉ là 10 cách phổ biến để bạn tham khảo. Ngoài ra còn một số cách khác như chơi bitcoin, đầu tư, hay làm ra sản phẩm và bán,…

Không phải tất cả các lập trình viên đều có thể áp dụng 10 cách kiếm tiền trên. Tuỳ năng lực và kỹ năng của mỗi người. Đồng thời tuỳ giai đoạn phát triển trong sự nghiệp của mỗi người mà có cách kiếm tiền phù hợp nhất với bản thân. 

Vì vậy bạn cứ cố gắng để nâng cao năng lực bản thân. Đến một thời điểm nào đó khi “tích luỹ đủ lượng chất sẽ thay đổi”.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *